Chân dung nhà Tâm lý Hồ Ngọc Đại

28-03-2016
Bởi: admin 2227 lượt xem

GS. HỒ NGỌC ĐẠI (sinh 1936)

– Ông sinh ngày 3-4-1936 tại huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.
– Hồi trẻ ông học nghề sư phạm tại Nam Ninh, Trung Quốc.

Giáo sư Hồ Ngọc Đại

Giáo sư Hồ Ngọc Đại


– Năm 1968, ông sang Nga học ngành Tâm lý học và năm 1976 hoàn thành luận văn Tiến sĩ về Những vấn đề tâm lý trong giảng dạy Toán học hiện đại cho học sinh cấp 1.
– Năm 1978, ông thành lập và là giám đốc Trung tâm Công nghệ Giáo dục (CGĐ) để tiến hành thực nghiệm công nghệ giáo dục, công nghệ phát triển con người (cả về lý thuyết lẫn thực tiễn).
– Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Ngọc Đại là một nhà khoa học giáo dục, một nhà tổ chức thực tiễn hoạt động giáo dục, một nhà giáo tràn đầy nhiệt huyết, hết lòng vì sự nghiệp giáo dục, trước hết là giáo dục tuổi thơ và một nền công nghệ hóa giáo dục; một người “chịu thua tất cả chỉ để được công nghệ giáo dục”. Tấm lòng của người thầy và trí tuệ của nhà khoa học được thể hiện trong từng bài viết. (NXB Lao Động).

Quan điểm sáng tác

– Những bài viết của Hồ Ngọc Đại cho ta thấy cả chiều sâu và bề rộng của trí tuệ và tâm hồn một người cầm bút.

– Chiều sâu: Cả đời Hồ Ngọc Đại nhất quán một nỗi băn khoăn Giáo Dục. Cần có một nền Giáo dục mới. Một nền Giáo dục buộc phải mới tận nguyên lý của nó. Một nền Giáo dục tất yếu phải trở thành sự Cứu Nguy cho dân tộc, nơi trẻ em là những Anh hùng Thời đại. Và một nền Giáo Dục không bị thần bí hóa bằng lời hô hào “sáng tạo” suông. Mà là một nền Giáo dục công ghệ hóa, có thể triển khai theo cái mẫu được các nhà khoa học tạo ra bằng thực nghiệm, như một Hồ Ngọc Đại cùng các cộng sự đã làm ra, kể từ năm học 1978-1979.
– Bề rộng: Bạn đọc sẽ thấy cả một gam rộng lớn những điều Hồ Ngọc Đại quan tâm. Không phải sự quan tâm tiện đâu nói đấy, cái gì cũng can dự. Mà đây là một con mắt sắc sảo dõi theo những băn khoăn của người đời để rồi chủ động dùng trí tuệ và tấm lòng của mình cùng giọng văn dễ đọc mà tìm cách thuyết phục sao cho mọi người cùng sáng lòng và đều có thể sống hạnh phúc. Vì thế mà, chẳng hạn như trước nỗi buồn Liên Xô tan rã, Hồ Ngọc Đại có bài viết về vấn đề đó. Rồi anh cũng có những kiến giải về “Tự do”, về “Dân chủ”, về “Hôn nhân”, về “Gia đình”, về… nhiều mặt chộn rộn chuyện đương thời.


Năm 1967, rời Liên Xô về nước, với tấm bằng tiến sĩ tâm lý học (đầu tiên ở Việt Nam) trong tay, lại có một vị thế cực kỳ thuận lợi: con rể đương kim Tổng Bí thư Lê Duẩn, có thể nói Hồ Ngọc Đại có một lợi thế xã hội mà công chức thời bấy giờ nằm mơ cũng không có được.

Chiếc ghế Thứ trưởng Bộ Giáo dục đào tạo (là bước đệm để làm Bộ trưởng) đã đợi sẵn để ông ngồi vào. Nhưng Hồ Ngọc Đại đã… từ chối và xin cho được đi dạy… lớp một! Và thế là từ đấy Công nghệ giáo dục (hay còn gọi là Công nghệ Hồ Ngọc Đại), mà người dân lâu nay vẫn gọi nôm na là giáo dục thực nghiệm, ra đời.

Từ ngôi trường thực nghiệm 91 ở Matxcơva

Cái ý nghĩ sang Liên Xô học để “xem bên đó người ta giỏi tới đâu và kém ở chỗ nào” xuất hiện trong Hồ Ngọc Đại, chàng trai Quảng Trị, vào giữa những năm 60 của thế kỷ 20. Hồ Ngọc Đại kể: “Sau khi nghe tôi nói ý định muốn đi sâu nghiên cứu giáo dục nhằm nâng cao nghiệp vụ sư phạm, một người bạn vong niên đã khuyên: cậu có gan đi vào sư phạm sao không đi hẳn vào tâm lý học?” – Một lời khuyên ngẫu hứng chăng? Chỉ biết rằng lời khuyên ấy đã thuyết phục được tôi và tôi dứt khoát tìm cách nghiên cứu tâm lý học”.

Cuối năm 1960 Hồ Ngọc Đại sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh tại Trường đại học Lômônôxốp. Tại đây ông đã được gặp các nhà sư phạm nổi tiếng như Galperin, Elkônhin, Đavưđốp… Trường thực nghiệm số 91 ở Matxcơva, như ông mô tả, là “cuốn sách tâm lý học” mở ra trước mắt ông. Hàng ngày tới trường trực tiếp theo dõi các giờ thực nghiệm trên lớp, Hồ Ngọc Đại tự mày mò làm các phép thử đo nghiệm trên những trẻ em đang học. Và ông bất chợt nhận ra rằng các nhà tâm lý học – thầy của mình đã “dùng công cụ mới vào việc chuyên chở vật liệu cũ”. Nói cho rõ hơn là, trong toán học ở cấp một phổ thông chẳng hạn, các thầy mới chỉ dám “đại số hóa” những nội dung số học, chứ chưa dám đi xa hơn. Có thể sửa chữa được trì trệ này chăng? Hồ Ngọc Đại đề nghị: “Cho tôi thử dạy toán hiện đại cho trẻ em ngay từ lớp một và cấp một”. Làm được chăng? Đa số bỏ phiếu chống. Chỉ có 2 người ủng hộ. Một người là Viện sĩ V. Đavưđốp, hơn Hồ Ngọc Đại 5 tuổi, ủng hộ với lý do: “Lạ thật! Chúng ta nghiên cứu khoa học, chúng ta lại đi ngăn cản một nhà khoa học tìm tòi chăng?”. Người thứ hai là một viện sĩ lão thành, nhưng với một cái thở dài: “Thôi được chàng trai trẻ ạ, cậu cứ làm đi. Nếu thành công thì vòng nguyệt quế sẽ khoác lên đầu cậu, còn thất bại thì lão già này sẽ gánh chịu vậy”.

Hai vòng thực nghiệm dạy toán hiện đại cho trẻ em lớp một, lớp hai và ba (bậc tiểu học ở Liên Xô khi đó) đã thành công và luận án tiến sĩ của Hồ Ngọc Đại là bản tổng kết công cuộc thực nghiệm đó.

“Công nghệ Hồ Ngọc Đại”

Sau 7 năm tu nghiệp Hồ Ngọc Đại về nước với một mộng ước lớn lao là cải cách nên giáo dục đương thời. Tuy nhiên làm một cái mới là điều cực kỳ khó khăn. Và vì vậy một thời gian khá dài Hồ Ngọc Đại là người rất “cô độc”. Ông đi tới đâu ở đấy lập tức chia thành hai phe. Người vỗ tay ào ào tán dương, kẻ đập bàn rầm rập phản đối. Thời bấy giờ có nhà văn đã đặt cho ông cái biệt danh “Kẻ gieo bất hòa”.

Thực ra thì với một lợi thế xã hội (là con rể đương kim Tổng Bí thư Lê Duẩn) và học vấn như ông, Hồ Ngọc Đại dư thừa điều kiện để “thăng quan tiến chức”. Nhưng rồi ông tiến sĩ ấy lại đi xin với Nhà nước là cho đi dạy lớp một. Có rất nhiều người đã không hiểu và không thể nào hiểu nổi hành vi “dại dột” đó của Hồ Ngọc Đại. Hồ Ngọc Đại kể: “Có lần tôi được mời tới để giao cho chức Thứ trưởng Bộ giáo dục. Tôi nói: Các anh cho tôi đi dạy lớp một thôi!. Họ tròn mắt ngạc nhiên. Tôi nói: Làm Thứ trưởng giỏi hơn tôi có, nếu không cỡ hàng trăm, cũng vài chục người, Còn dạy lớp một giỏi hơn tôi không phải ai cũng làm được đâu”. Quan niệm của Hồ Ngọc Đại là dứt khoát và rõ ràng: “Đi học về là để dạy người”. May thay khi ấy còn có không ít người hiểu được Hồ Ngọc Đại. Vì thế ông đã xây dựng được một tập thể khoa học giáo dục đổi mới toàn diện. Nếu như khi học nghề Hồ Ngọc Đại mới thử dạy toán hiện đại cho trẻ em từ lớp một đến lớp ba ở Liên Xô, thì giờ đây ông mong muốn “chữa lại” toàn bộ cuộc đời học tập trong nhà trường phổ thông cho trẻ em Việt Nam. Hồ Ngọc Đại quan niệm nhà trường phải là nơi diễn ra cuộc sống hạnh phúc của trẻ em. Nhà trường ấy không có roi vọt răn đe, không có cả thi cử, thậm chí không cho điểm. Học tập đối với trẻ em là sự đam mê và thích thú. Ông nói: “Lớp học là nơi lần đầu tiên trong đời trẻ em tự làm vệc trí óc một cách có hệ thống”. Trẻ em học tiếng mẹ đẻ, nhưng không phải theo kiểu đánh vần leo lẽo theo cô giáo, mà như một nhà ngữ âm học để tự tạo cho mình năng lực phân giải ngữ âm theo tiếng mẹ đẻ. Học toán, nhưng không phải là học thuộc lòng bảng cộng trừ nhân chia, mà từng trẻ em lớp một, cấp một phải hình thành thao tác tư duy toán học để rồi cuối cùng chính các em lập được bảng cộng trừ nhân chia.
Hướng đi và cách làm trong hệ thống giáo dục của Hồ Ngọc Đại đã đưa người thày vào vị trí khác hẳn: thầy là người hướng dẫn, cộng sự với trò. Nói tóm lại là công việc dạy và học sẽ được đúc kết lại thành các thiết kế sao cho mọi thầy giáo đều thi công cùng học trò trên lớp học và cho ra sản phẩm tương đương với sản phẩm thực nghiệm. Cách làm đó Hồ Ngọc Đại gọi là CÔNG NGHỆ DẠY HỌC.
Công việc này được Hồ Ngọc Đại thực sự bắt đầu từ năm học 1978-1979 ở Giảng Võ, Hà Nội. Lựa chọn Hà Nội để thể nghiệm một phương pháp giáo dục hầu như còn hoàn toàn xa lạ với người Việt Nam thời bấy giờ, Hồ Ngọc Đại đã đem cả cuộc đời và học vấn tiến sĩ để “đánh cược” với nền giáo dục truyền thống hiện tại.

Ban đầu chỉ là một cơ sở thực nghiệm khoa học giáo dục vẻn vẹn có hơn chục cán bộ nghiên cứu và giáo viên. Đến nay hệ thống giáo dục thực nghiệm đã được xây dựng ở phần lớn các tỉnh thành trong cả nước. Tuy nhiên có một điều kỳ lạ là, ngay từ khi công nghệ giáo dục này ra đời, cho tới nay đã gần 25 năm tồn tại, nhưng người ta vẫn không ngớt tranh luận về hiệu quả đích thực của nó. Người khen cũng nhiều, mà kẻ chê cũng không phải là ít. “Chia rẽ khi tiếp nhận cái mới là chuyện bình thường, là hiện tượng lành mạnh”- Hồ Ngọc Đại nói.

Vâng, công nghệ giáo dục của Hồ Ngọc Đại là như vậy.

Các sách chuyên đề đã xuất bản

– Những vấn đề tâm lý học trong việc giảng dạy Toán học hiện đại ở các lớp cấp I (Luận án tiến sĩ tâm lý học, tiếng Nga, Matxcơva, 1976)
Bài học là gì? (1985)
Giải pháp giáo dục, NXB Giáo dục, 1991
–  Đổi mới giáo dục, Trung tâm Công nghệ Giáo dục, 1995
Tâm lý học dạy học, NXB Đại học Quốc gia, 2000
Hồ Ngọc Đại Bài báo, NXB Lao Động, 2000
Cái và cách, NXB Đại học sư phạm, 2003
Chuyện ấy, NXB Lao Động, 2009

Theo VietNamNet và Chungta.com

Từ khóa: , ,