NGHIỆM THU ĐỀ TÀI KH&CN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG NĂM 2024 “XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHÒNG CHỐNG BẮT NẠT HỌC ĐƯỜNG CHO HỌC SINH THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG”

Thứ bảy - 06/07/2024 10:59 101 0
Sáng ngày 6/7/2024, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức họp Hội đồng nghiệm thu kết quả đề tài “Xây dựng chương trình giáo dục phòng chống bắt nạt học đường cho học sinh thành phố Đà Nẵng”
NGHIỆM THU ĐỀ TÀI KH&CN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG NĂM 2024 “XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHÒNG CHỐNG BẮT NẠT HỌC ĐƯỜNG CHO HỌC SINH THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG”
Đề tài Xây dựng chương trình giáo dục phòng chống bắt nạt học đường cho học sinh thành phố Đà Nẵng” là đề tài khoa học và công nghệ cấp Thành phố Đà Nẵng do Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng chủ trì thực hiện trong thời gian từ 6/2022 - 6/2024. TS. Hoàng Thế Hải chủ nhiệm.
Đề tài được thực hiện với mục tiêu: Xây dựng chương trình giáo dục phòng chống bắt nạt học đường cho học sinh phổ thông (tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông) tại thành phố Đà Nẵng với các mục tiêu cụ thể: Hệ thống hóa cơ sở lý luận về bắt nạt học đường, kỹ năng phòng chống bắt nạt học đường, chương trình giáo dục phòng chống bắt nạt học đường; Thu thập bằng chứng về mức độ của bắt nạt học đường ở học sinh phổ thông thành phố Đà Nẵng; Xác định các yếu tố ảnh hưởng đến tình trạng bắt nạt học đường ở học sinh thành phố Đà Nẵng; Tìm hiểu kỹ năng phòng chống bắt nạt học đường của học sinh phổ thông thành phố Đà Nẵng; Đánh giá các chương trình giáo dục hiện có và các hoạt động giáo phòng chống bắt nạt học đường cho học sinh trong các trường phổ thông thành phố Đà Nẵng; Xây dựng chương trình giáo dục phòng chống bắt nạt học đường cho học sinh phổ thông thành phố Đà Nẵng và Tổ chức thực nghiệm và đánh giá tính hiệu quả của chương trình giáo dục phòng chống bắt nạt học đường cho học sinh phổ thông thành phố Đà Nẵng.

Đề tài tiến hành khảo sát 1450 học sinh và 420 giáo viên ở cả 3 cấp: cấp tiểu học, THCS và THPT  thuộc 4 quận/ huyện: Quận Hải Châu, Quận Thanh Khê, Quận Liên Chiểu và huyện Hòa Vang. Kết quả cho thấy: 95,9% HS trong tổng số khách thể khảo sát báo cáo từng bị bắt nạt ít nhất ở một hình thức và có 78,4% HS báo cáo đã thực hiện hành vi bắt nạt bởi ít nhất một hình thức. Bắt nạt xảy ra dưới mọi hình thức cả trực tiếp và trực tuyến đối với tất cả các nhóm HS, song loại hình bắt nạt thể chất và lời nói là phổ biến hơn cả.
Bên cạnh đó,  hơn 50% HS nhận thức đúng và đầy đủ thì vẫn còn một tỷ lệ đáng kể HS nhận thức chưa đúng hoặc chưa đầy đủ về hành vi bắt nạt học đường. Dấu hiệu mất cân bằng quyền lực và hành vi có tính chất cố ý, cố tình được các em nhận thức tốt hơn dấu hiệu về sự lặp lại nhiều lần của hành vi bắt nạt; tương tự, vẫn còn một tỷ lệ không nhỏ HS còn có nhận thức hạn chế, không đầy đủ về bốn loại hình bắt nạt phổ biến. Đồng thời, nhiều HS sử dụng các cách ứng phó tích cực như tìm kiếm sự giúp đỡ từ bạn bè, và giải quyết vấn đề… thì nhiều HS cũng thỉnh thoảng sử dụng cách ứng phó tiêu cực, kém hiệu quả như né tránh hoặc trả đũa lại bạn đã bắt nạt; có một số khác biệt về giới tính và lứa tuổi ở một số chiến lược ứng phó.
Đề tài tiến hành xây dựng và thực nghiệm chương trình giáo dục phòng chống bắt nạt học đường cho học sinh thành phố Đà Nẵng với 15 giáo viên và 240 học sinh của 3 trường thực nghiệm: tiểu học Nguyễn Đức Cảnh, THCS Lý Thường Kiệt, THPT Thanh Khê. Chương trình được xây dựng cho mỗi cấp gồm 5-6 chủ đề. Các chủ đề được xây dựng dựa trên các mạch nội dung: hiểu biết về bắt nạt, ứng phó với bắt nạt và kỹ năng xây dựng mối quan hệ tôn trọng lẫn nhau… Mỗi chủ đề có thể được thực hiện với 3 loại hình cơ bản: Hoạt động theo chủ đề, hoạt động sinh hoạt lớp hoặc sinh hoạt dưới cờ.  Kết quả thực nghiệm đã mang lại những thay đổi tích cực về nhận thức và kỹ năng ứng phó; đồng thời giảm tỷ lệ liên quan đến bắt nạt được quan sát ở nhóm thực nghiệm.
Tại buổi nghiệm thu, các đại biểu tham gia Hội đồng đánh giá cao kết quả đạt được về quá trình điều tra, nghiên cứu, kết quả thực hiện đề tài cũng như sự nỗ lực của cơ quan chủ trì, các thành viên trong nhóm nghiên cứu, thực hiện đề tài. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là một đề tài có ý nghĩa khoa học, có giá trị nhân văn, đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy cao, góp phần vào hệ thống các nghiên cứu về hoạt động phòng chống bắt nạt học đường tại thành phố Đà Nẵng. Kết quả nghiên cứu đề tài tác động đến cơ quan quản lý, các nhà hoạch định chính sách, đặc biệt tác động đến giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh trong việc thực hiện các hoạt động phòng chống bắt nạt học đường, góp phần xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện. Kết quả nghiên cứu của đề tài có tính thực tiễn cao và có thể nhân rộng trên các trường học tại thành phố Đà Nẵng và các tỉnh lân cận nếu các cấp, ngành được quan tâm, đầu tư nguồn lực. 
Với kết quả đó, đề tài được nghiệm thu với kết quả Đạt. Chủ tịch Hội đồng PGS. TS. Lê Quang Sơn đề nghị cơ quan chủ trì, nhóm nghiên cứu cần xem xét lại những kiến nghị và cấu trúc lại các phần trong đề tài cho hợp lý để hoàn thiện hồ sơ và giao nộp sản phẩm cho Sở KH&CN theo đúng thời gian quy định.
Một số hình ảnh tại hội đồng nghiệm thu:

Ảnh: Hội đồng nghiệm thu đề tài KH-CNXây dựng chương trình giáo dục phòng chống bắt nạt học đường cho học sinh thành phố Đà Nẵng”

Ảnh: Chủ tịch hội đồng PGS. TS. Lê Quang Sơn – Phó giám đốc Đại học Đà Nẵng kết luận nghiệm thu thành công đề tài

Ảnh: Toàn cảnh hội đồng nghiệm thu đề tài

Ảnh: Chủ nhiệm đề tài TS. Hoàng Thế Hải báo cáo đề tài

Ảnh: Thành viên hội đồng dự họp trực tuyến

Ảnh: PGS. TS. Nguyễn Văn Hiếu – Phó hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng, đại diện cho cơ quan chủ trì phát biểu
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập193
  • Hôm nay27,211
  • Tháng hiện tại683,606
  • Tổng lượt truy cập4,562,304
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây